Bệnh vảy nến là bệnh da liễu mãn tính thường gặp, xuất hiện ở cả đối tượng trẻ em và người lớn. Vậy nguyên nhân gây ra do đâu? Triệu chứng ra sao? Làm thế nào để điều trị hiệu quả? Cùng tham khảo thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Bệnh vảy nến là gì?
Vảy nến là một căn bệnh da liễu, biểu hiện bằng sự hình thành các mảng đỏ, vảy trên da. Những mảng này thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu, lưng dưới hoặc bất kỳ vị trí nào khác trên cơ thể. Nó không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, thậm chí đau rát.
Bệnh vảy nến không lây nhiễm và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, hay gặp nhất ở người trưởng thành từ 20-30 tuổi và 50-60 tuổi. Mặc dù đa số người bệnh chỉ có mảng vảy nến nhỏ nhưng cũng có trường hợp lan rộng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng bệnh vảy nến thường gặp
Dấu hiệu bệnh vảy nến thay đổi tùy thuộc vào từng giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Những triệu chứng điển hình:
- Các mảng đỏ, vảy: Ở giai đoạn đầu bệnh vảy nến, các mảng da bị viêm, đỏ, dày lên và phủ đầy vảy bạc hoặc trắng. Vảy này dễ dàng bong tróc khi gãi.
- Ngứa, đau: Người bệnh có cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu, đặc biệt lúc những mảng vảy đỏ xuất hiện ở vị trí dễ cọ xát như khuỷu tay, đầu gối. Ngoài ra, bạn có thể thấy đau nhức, nhất là tại khớp bị ảnh hưởng.
- Khô da: Vùng da trên cơ thể bị vảy nến thường khô, nứt nẻ, khiến người bệnh khó chịu và dễ bị nhiễm trùng.
- Móng tay, móng chân: Móng tay, móng chân của người bị vảy nến hay dày lên, đổi màu, xuất hiện đường rãnh hoặc chấm lõm.
- Sưng khớp: Biểu hiện của bệnh vảy nến ở một số trường hợp, có thể gây viêm khớp, dẫn đến sưng, đau và cứng các khớp.
- Mệt mỏi: Người bệnh luôn trong tình trạng mệt mỏi, chán ăn và khó tập trung. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống sinh hoạt và công việc hàng ngày của họ.
Nguyên nhân bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến do sự rối loạn trong quá trình tái tạo da gây ra. Những nguyên nhân chính của bệnh bao gồm yếu tố di truyền, rối loạn hệ miễn dịch và tác động từ môi trường.
Yếu tố di truyền
Theo kết quả báo cáo y tế, khoảng 1/3 người bị vảy nến cho biết trong gia đình họ có người mắc căn bệnh này. Đặc biệt, các nghiên cứu trên những cặp song sinh cũng cho thấy có mối liên kết mạnh mẽ giữa di truyền và vảy nến. Cụ thể:
- Các cặp song sinh giống hệt nhau, nếu một người bị bệnh thì 70% khả năng người còn lại cũng sẽ mắc phải.
- Đối với cặp song sinh không giống hệt nhau, con số này giảm xuống nhưng vẫn ở mức khá cao khoảng 20%.
Rối loạn hệ miễn dịch
Ngoài yếu tố di truyền, rối loạn hệ miễn dịch cũng trở thành tác nhân chính gây ra bệnh vảy nến. Hệ miễn dịch của cơ thể đảm nhiệm vai trò bảo vệ chúng ta khỏi những bệnh nhiễm trùng và yếu tố gây hại.
Tuy nhiên, ở người bị vảy nến, hệ miễn dịch lại tấn công nhầm vào tế bào da khỏe mạnh khiến quá trình sản sinh tế bào da diễn ra nhanh hơn. Kết quả là các tế bào da mới không kịp thoái hóa và chết đi như bình thường mà tích tụ lại trên bề mặt da, gây ra mảng da đỏ, dày và có vảy màu bạc.
Tác động từ môi trường
Yếu tố môi trường cũng đóng vai trò quan trọng vào việc làm bệnh vảy nến khởi phát hoặc trầm trọng hơn. Những tác nhân thường gặp như stress, nhiễm trùng, chấn thương da, thay đổi thời tiết,… Chúng đều gây ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch và có thể kích hoạt sự viêm nhiễm.
Bên cạnh đó, việc sử dụng một số loại thuốc đôi khi cũng góp phần gây ra vảy nến. Chẳng hạn như thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chống sốt rét hoặc lithium,… Nó khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn, thậm chí kích hoạt mầm bệnh ở những người chưa từng mắc phải.
Các loại vảy nến phổ biến
Bệnh vảy nến được phân chia thành nhiều loại khác nhau, dựa vào đặc điểm mô học. Mỗi loại lại có những biểu hiện riêng, bạn cần nắm rõ để phân biệt và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
- Vảy nến mảng bám: Đây là loại vảy nến phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% trường hợp. Các mảng đỏ, vảy bạc xuất hiện ở khu vực khuỷu tay, đầu gối, da đầu, lưng dưới.
- Vảy nến thể giọt: Những mảng đỏ nhỏ, hình giọt nước mọc đột ngột và rộng khắp cơ thể. Thường xuất hiện sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp, điển hình như viêm họng liên cầu khuẩn.
- Vảy nến mụn mủ: Dạng vảy nến này khá hiếm gặp. Vảy nến mụn mủ có dạng mụn nước nhỏ, chứa đầy mủ nhưng không nhiễm chúng. Nó có thể gây ra vết phồng rộp và lan rộng hoặc tập trung vào khu vực lòng bàn tay, lòng bàn chân.
- Vảy nến nghịch đảo: Các mảng đỏ, trơn bóng xuất hiện ở nếp gấp da như háng, nách, dưới ngực. Tình trạng bệnh sẽ nghiêm trọng hơn nếu vùng da bị đổ mồ hôi hoặc ma sát.
Tổng hợp hình ảnh bệnh vảy nến
Để giúp các bạn dễ dàng nhận biết bệnh vảy nến, chúng tôi sẽ tổng hợp một số hình ảnh trong từng trường hợp cụ thể bên dưới:
Hinh ảnh bệnh vảy nến toàn thân
Vảy nến toàn thân là một biến chứng nghiêm trọng của căn bệnh này, khi mảng đỏ, vảy bạc lan rộng bao phủ gần như toàn bộ cơ thể. Làn da của người bệnh trở nên khô ráp, nứt nẻ. Cảm giác ngứa ngáy, rát bỏng khiến họ không thể ngủ ngon và làm việc hiệu quả. Vảy nến toàn thân có thể tồn tại trong thời gian ngắn hoặc kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hình ảnh bệnh vảy nến ở chân
Vảy nến ở chân thường xuất hiện tập trung ở vùng bắp chân, đầu gối hoặc cả bàn chân. Những mảng da có ranh giới rõ rệt, bề mặt da thô ráp và bong tróc, đôi khi gây ngứa hoặc đau rát. Ở trường hợp nặng, vùng da tổn thương còn bị nứt nẻ và chảy máu, gây khó khăn trong việc di chuyển và sinh hoạt hằng ngày.
Hình ảnh bệnh vảy nến da đầu
Thường ở vùng da đầu là dạng vảy nến tiết bã. Những mảng da màu đỏ bao phủ bởi lớp vảy màu trắng hoặc bạc, khiến da đầu khô tróc. Vảy nến da đầu dễ lan ra xung quanh vùng trán, sau tai hoặc gáy. Ngoài cảm giác ngứa và khó chịu, người bệnh đôi khi còn thấy đầu bị viêm, sưng.
Hình ảnh bệnh vảy nến ở trẻ sơ sinh
Vảy nến ở trẻ sơ sinh hay còn gọi bằng cái tên vảy nến thể tã. Nó chủ yếu xuất hiện ở vùng da quấn tã gồm mông, bẹn, đùi. Biểu hiện đặc trưng là những sẩn đỏ có viền rõ kèm theo lớp vảy bạc mỏng. Da trẻ sơ sinh bị vảy nến trở nên nhạy cảm hơn nếu xảy ra cọ xát từ tã, tăng nguy cơ nhiễm trùng và viêm da.
Cách chữa trị vảy nến an toàn, hiệu quả
Hiện nay, chưa có cách chữa trị vảy nến dứt điểm hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng an toàn và hiệu quả, bằng những phương pháp mà các chuyên gia y tế khuyến cáo sau đây:
- Sử dụng thuốc bôi tại chỗ: Các loại thuốc chứa corticoid, vitamin D hoặc retinoid giúp giảm viêm và làm dịu da. Lưu ý, cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
- Quang trị liệu (Phototherapy): Phương pháp này dùng ánh sáng tia UVB hoặc UVA giúp điều trị tổn thương da. Từ đó, làm chậm sự tăng sinh của tế bào da.
- Thuốc uống hoặc tiêm: Trong trường hợp vảy nến nặng, bác sĩ có thể chỉ định những loại thuốc ức chế miễn dịch hoặc sinh học. Chúng có tác dụng giảm thiểu phản ứng viêm của cơ thể nhưng cần theo dõi chặt chẽ để tránh biến chứng.
- Chế độ sinh hoạt khoa học: Tăng cường ăn thực phẩm giàu omega-3, vitamin D và giữ vệ sinh da đúng cách giúp giảm triệu chứng. Tránh căng thẳng và các chất kích thích như rượu, thuốc lá cũng đóng vai trò quan trọng.
Kết luận
Trên đây là thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng, hình ảnh và cách chữa bệnh vảy nến mà bạn có thể tham khảo thêm. Ngay khi phát hiện dấu hiệu vảy nến, bạn nên tìm đến chuyên gia y tế để được thăm khám và đưa ra biện pháp điều trị kịp thời. Tránh để tình trạng bệnh nặng, gây biến chứng nguy hiểm.