Nổi mề đay là tình trạng dị ứng da phổ biến, đang có xu hướng gia tăng và ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Nếu không được xử lý kịp thời, bệnh có thể dẫn đến sốc phản vệ nguy hiểm. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về triệu chứng, nguyên nhân và cách trị mề đay giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Nổi mề đay là gì?
Mề đay là bệnh lý da liễu khá phổ biến, biểu hiện bằng các nốt mẩn đỏ, sần ngứa trên da. Những nốt này có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể với kích thước và hình dạng đa dạng, từ chấm nhỏ li ti đến từng mảng lớn. Chúng gây cảm giác ngứa, khó chịu làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 10% – 20% dân số toàn cầu từng mắc phải bệnh dị ứng nổi mề đay. Trong đó, đa số các trường hợp sẽ tự thuyên giảm trong vòng 6 tuần và chỉ có 5% tái phát nhiều lần.
Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp nguy cơ phù mao mạch. Đặc biệt nguy hiểm khi gây sưng phù đường thở, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Các nguyên nhân nổi mề đay phổ biến
Nổi mề đay ngứa xuất hiện khi cơ thể phản ứng với tác nhân gây dị ứng như thực phẩm, hóa chất, phấn hoa hay lông thú. Khi tiếp xúc những chất này, cơ thể sẽ giải phóng histamine và chất trung gian hóa học gây ra phản ứng viêm. Từ đó khiến các mạch máu nhỏ giãn nở, dịch thoát ra tích tụ dưới da tạo thành nốt mẩn đỏ và ngứa.
Tùy vào cơ địa của mỗi người mà tác nhân dẫn đến dị ứng nổi mề đay sẽ khác nhau. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Thực phẩm: Các loại thức ăn như hải sản, trứng, sữa, đậu phộng,… có thể kích hoạt phản ứng dị ứng, dẫn đến nổi mẩn mề đay.
- Hóa mỹ phẩm: Những sản phẩm chăm sóc cá nhân như xà phòng, sữa tắm, dầu gội, kem dưỡng da, mỹ phẩm có chứa hóa chất gây kích ứng da.
- Phấn hoa và bụi: Dị ứng phấn hoa hoặc bụi trong nhà là yếu tố chính gây mề đay, đặc biệt ở những người có cơ địa nhạy cảm.
- Lông thú: Tiếp xúc với lông hoặc da của động vật như chó, mèo cũng gây ra phản ứng dị ứng.
- Thuốc: Một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) hoặc thuốc giảm đau dễ gây mề đay.
Dấu hiệu nổi mề đay thường gặp
Mề đay được chia thành 2 loại là cấp tính và mạn tính. Mỗi loại sẽ có những biểu hiện bệnh khác nhau, bạn cần phân biệt rõ ràng để có hướng điều trị phù hợp.
Mề đay cấp tính
- Phát ban đột ngột, các nốt sẩn đỏ tập trung ở một số vùng da hoặc lan rộng toàn thân.
- Nốt mẩn đỏ ngứa dữ dội.
- Có thể kèm theo phù mạch, sưng sâu bên trong da ở niêm mạc, gây ngứa, đau. Các vị trí hay bị phù mạch như môi, mắt, tay, chân.
Mề đay mạn tính
- Phát ban tái phát nhiều lần, các nốt sẩn có màu hồng, đỏ hoặc trắng nhạt.
- Ngứa dai dẳng, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày.
- Đôi khi gây khô da, nứt nẻ, thậm chí nhiễm trùng da.
- Trong một số trường hợp, mề đay mạn tính kèm theo triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, đau khớp, đau bụng.
Hình ảnh nổi mề đay ở từng vị trí khác nhau
Mề đay có thể xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, phổ biến nhất là ở vùng mặt, chân, tay, cổ. Cùng tham khảo hình ảnh bệnh ở từng vị trí:
- Mặt: Mọc rải rác hoặc tập trung tại vùng má, trán, quanh môi, gây sưng phù và ngứa ngáy. Nếu lan đến cổ họng, mề đay sẽ dẫn đến khó thở.
- Cổ: Da vùng cổ rất nhạy cảm và dễ bị kích ứng. Chỉ cần một chút gãi hay chà xát cũng dễ làm nổi mề đay, gây cảm giác ngứa ngáy và sưng phù.
- Cánh tay: Mề đay thường xuất hiện ở cánh tay, đôi khi lan rộng ra bắp tay và khớp vai. Tình trạng ngứa trở nên nghiêm trọng hơn nếu người bệnh cử động nhiều, cản trở trong sinh hoạt.
- Chân: Các nốt đỏ ngứa mọc thành từng mảng hoặc đám, mỗi nốt có đường kính từ 0.2 – 2 cm và có điểm sưng rõ ở trung tâm.
- Mông: Khu vực này dễ bị mề đay do sự cọ xát với quần áo, đặc biệt khi thời tiết nóng hoặc ẩm ướt. Bệnh gây ngứa, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu lúc ngồi hoặc di chuyển.
Cách trị nổi mề đay an toàn, hiệu quả
Để điều trị mề đay an toàn và hiệu quả, việc xác định nguyên nhân và chăm sóc đúng cách rất quan trọng. Dưới đây là một số phương pháp chữa mề đay phổ biến:
Điều trị bằng thuốc
- Thuốc kháng histamin: Loại thuốc điều trị mề đay phổ biến giúp giảm ngứa, sưng và viêm.
- Thuốc corticosteroid: Dùng trong trường hợp mề đay nặng, có tác dụng giảm viêm nhanh chóng.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Sử dụng để chữa loại mề đay mạn tính, khó điều trị bằng thuốc thông thường.
- Thuốc sinh học: Omalizumab là loại thuốc sinh học được dùng điều trị mề đay mạn tính tự phát.
Điều trị tại chỗ
- Kem bôi: Sử dụng em bôi có chứa corticosteroid hoặc calamine nhằm mục đích giảm ngứa và viêm.
- Tắm bằng nước mát: Tắm bằng nước mát hoặc chườm lạnh có thể giúp giảm ngứa và sưng tấy. Nên tránh tắm nước nóng, vì nước nóng sẽ khiến tình trạng mề đay trở nên tồi tệ hơn.
Các phương pháp dân gian
- Nha đam: Gel lô hội có tính làm mát và chống viêm, làm dịu da khi bị mề đay. Bạn có thể thoa trực tiếp gel lô hội lên vùng da bị mề đay mỗi ngày.
- Nước lá khế: Theo kinh nghiệm dân gian, việc tắm bằng nước lá khế nấu giúp dịu triệu chứng ngứa và giảm mề đay. Bởi lá khế có đặc tính chống viêm tự nhiên.
- Nước ép rau diếp cá: Rau diếp cá thanh nhiệt, giải độc. Người bệnh nên uống nước ép hoặc sử dụng lá diếp cá giã nát đắp lên vùng da bị mề đay để giảm viêm và sưng.
Giải đáp các câu hỏi liên quan đến bệnh nổi mề đay
Nổi mề đay có nguy hiểm không?
Đa số mề đay chỉ gây ra cảm giác khó chịu và ngứa ngáy nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn tới biến chứng nguy hiểm. Điển hình như phù mạch vùng mặt, lưỡi, cổ họng gây khó thở, thậm chí sốc phản vệ đe dọa mạng sống.
Đặc biệt, những người có tiền sử dị ứng nặng, người lớn tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai cần chú ý. Nên đến ngay cơ sở y tế khi xuất hiện các triệu chứng mề đay.
Nổi mề đay có lây không?
Mề đay không phải là bệnh truyền nhiễm nên không bị lây lan. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu liên quan đến phản ứng của hệ miễn dịch với tác nhân gây dị ứng. Vì vậy, dù trong gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh thì bạn cũng lo bị lây nhiễm.
Nổi mề đay có được ăn thịt gà không?
Thịt gà cung cấp protein và dinh dưỡng quan trọng. Nếu việc bị mề đay không liên quan đến dị ứng thực phẩm thì bạn vẫn có thể ăn thịt gà. Nhưng nên chọn thịt tươi, chế biến đơn giản và không bỏ quá nhiều gia vị.
Trường hợp, người bệnh có tiền sử dị ứng thịt gà thì nên tránh ăn loại thực phẩm này trong thời gian nổi mề đay. Hoặc đang ở giai đoạn cấp tính cũng không nên ăn gà nhằm hạn chế nguy cơ bị dị ứng nặng hơn.
Nổi mề đay bao lâu hết?
Mề đay bao lâu khỏi còn tùy thuộc vào nguyên nhân và cơ địa của từng người. Thông thường, mề đay cấp tính tự hết trong vòng vài giờ đến vài ngày, tối đa khoảng 6 tuần.
Nếu bệnh kéo dài hơn 6 tuần hoặc tái phát liên tục, nó được xem là mề đay mãn tính. Trường hợp này thời gian chữa trị có thể kéo dài, từ vài tháng đến nhiều năm và yêu cầu sự theo dõi chặt chẽ để kiểm soát bệnh.
Nổi mề đay có được nằm quạt không?
Việc nằm quạt giúp giảm cảm giác nóng rát, ngứa ngáy do mề đay gây ra nhưng bạn cần thận trọng. Bởi nếu luồng gió quá mạnh hoặc quạt trực tiếp vào người trong thời gian dài, da có thể bị khô và tình trạng mề đay trầm trọng hơn. Do đó, người bệnh chỉ nên bật quạt ở mức nhẹ, không thổi thẳng vào cơ thể và giữ phòng luôn sạch sẽ.
Kết luận
Nổi mề đay gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học, căn bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát và điều trị hiệu quả. Điều quan trọng là chúng ta cần chủ động tìm hiểu về bệnh, hợp tác cùng bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp và duy trì lối sống lành mạnh.