Vảy nến là một bệnh da liễu mãn tính gây ra các mảng đỏ, ngứa và bong tróc da, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay, có nhiều cách trị bệnh vảy nến từ dược phẩm đến liệu pháp ánh sáng giúp kiểm soát triệu chứng hiệu quả. Cùng tìm hiểu ngay 10 phương pháp chữa vảy nến phổ biến, được chuyên gia y tế đưa ra dưới đây.
Bệnh vảy nến có chữa được không?
Bệnh vảy nến có trị được không? Bệnh vảy nến có tính chất tự miễn, nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào da khỏe mạnh. Dẫn đến tình trạng viêm nhiễm và hình thành mảng da đỏ, kèm vảy bong tróc. Hiện căn bệnh này chưa có thuốc đặc trị để có thể chữa khỏi hoàn toàn, bởi vì:
- Nguyên nhân tự miễn dịch: Vảy nến liên quan đến sự rối loạn của hệ thống miễn dịch. Việc khống chế phản ứng miễn dịch này mà không ảnh hưởng đến chức năng khác của cơ thể vẫn là một thách thức lớn trong y học.
- Yếu tố di truyền: Vảy nến có yếu tố di truyền mạnh. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh, nguy cơ mắc của thế hệ sau sẽ cao hơn nên việc kiểm soát rất khó khăn.
Mặc dù chưa có cách trị bệnh vảy nến dứt điểm nhưng người bệnh vẫn có thể sống khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường. Thông qua việc kiểm soát tốt triệu chứng, giảm tần suất tái phát nhờ các phương pháp điều trị phù hợp.
Cách trị bệnh vảy nến tại chỗ hiệu quả cao
Để kiểm soát bệnh vảy nến, điều trị tại chỗ là một trong những cách phổ biến và hiệu quả. Các loại thuốc bôi ngoài da làm giảm viêm, giảm bong tróc và ngứa, cải thiện tình trạng da rõ rệt.
Thuốc mỡ steroid
Thuốc mỡ steroid có khả năng giảm viêm, ngứa và làm chậm quá trình sản sinh tế bào da, xoa dịu triệu chứng vảy nến. Loại thuốc này có nhiều nồng độ từ nhẹ đến nặng. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và hạn chế tác dụng phụ.
Đặc biệt, corticosteroid tại chỗ chứa hoạt tính mạnh. Do đó, người bị vảy nến chỉ nên bôi trên những vùng da nhỏ hoặc tổn thương da dày sừng, dưới sự giám sát của bác sĩ.
Kem dưỡng ẩm
Đối với những người mắc vảy nến ở mức độ nhẹ, kem dưỡng ẩm thường được bác sĩ da liễu khuyến cáo sử dụng. Cách trị bệnh vảy nến bằng thoa dưỡng ẩm đều đặn góp phần cải thiện đáng kể tình trạng da, giảm tần suất bùng phát bệnh. Bạn có thể chọn dạng kem, lotion, dầu B,… tùy thuộc vào từng loại da và tình trạng bệnh.
Thuốc ức chế calcineurin
Thuốc ức chế calcineurin, điển hình như tacrolimus (Protopic) và pimecrolimus (Elidel) đem lại hiệu quả cao trong việc chữa vảy nến. Đặc biệt tại những vùng da nhạy cảm như mặt, cổ, nếp gấp. Thuốc hoạt động dựa trên cơ chế ức chế hệ thống miễn dịch tại chỗ, giảm viêm, giảm sản sinh tế bào da quá mức và làm dịu triệu chứng bệnh.
Tuy nhiên, cách trị bệnh vảy nến với thuốc ức chế calcineurin cũng đi kèm một số lưu ý quan trọng. Loại thuốc này được khuyến cáo không sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, việc dùng kéo dài hoặc trên diện rộng cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, mỏng da, ung thư da,…
Cách trị bệnh vảy nến bằng Dithranol
Dithranol hoạt động bằng cách làm chậm quá trình tăng sinh tế bào da. Từ đó giúp giảm vảy nến, giảm viêm và xoa dịu cảm giác khó chịu. Thuốc đem lại hiệu quả cao trong việc hạn chế mảng vảy dày, cứng và ít tác dụng phụ.
Thế nhưng, nhược điểm của Dithranol là có thể gây kích ứng da nếu dùng nồng độ quá cao hoặc người bệnh sử dụng thời gian quá dài. Thứ hai, thuốc dễ gây ố vàng quần áo, khăn tắm hoặc vật dụng tiếp xúc cùng thuốc.
Thuốc trị vảy nến toàn thân thể nặng
Trường hợp bị toàn thân, việc áp dụng cách trị bệnh vảy nến tại chỗ chưa đủ. Bạn cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định phương pháp phù hợp và hiệu quả. Hiện có 2 loại chữa vảy nến toàn thân chính gồm thuốc phi sinh học (dạng uống) và thuốc sinh học (dạng tiêm).
Thuốc phi sinh học
- Methotrexat: Kiểm soát bệnh vảy nến bằng cách làm chậm quá trình sản xuất tế bào da và ức chế viêm. Thường sử dụng Methotrexat 1 lần/tuần. Tác dụng phụ của thuốc là gây buồn nôn, ảnh hưởng đến sản xuất tế bào máu.
- Ciclosporin: Thuốc ức chế hệ miễn dịch, hiệu quả trong chữa nhiều loại vảy nến. Thuốc uống hàng ngày nhưng Ciclosporin làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận và cao huyết áp.
- Acitretin: Thuốc retinoid dạng uống giúp giảm sản xuất tế bào da. Acitretin chủ yếu dùng cho các trường hợp vảy nến nặng không đáp ứng với phương pháp điều trị khác. Một số phản ứng phụ của thuốc như khô môi, khô mũi, viêm gan.
Thuốc sinh học
Cách trị bệnh vảy nến bằng thuốc sinh học được đánh giá khá cao về mức độ hiệu quả và an toàn. Thường áp dụng khi những biện pháp thuốc uống, kem bôi không mang lại hiệu quả mong muốn. Các loại thuốc sinh học phổ biến:
- Etanercept: Hoạt động bằng cách ngăn chặn một loại protein gây viêm gọi là TNF-alpha. Etanercept chủ yếu được tiêm dưới da.
- Adalimumab: Cũng giống như Etanercept, Adalimumab tập trung vào TNF-alpha và tiêm dưới da.
- Infliximab: Có tác dụng ức chế TNF-alpha nhưng Infliximab được tiêm tĩnh mạch của người bệnh.
- Ustekinumab: Thuốc có khả năng ức chế hai loại protein khác liên quan đến viêm là IL-12 và IL-23. Ustekinumab tiêm dưới da bệnh nhân vảy nến.
Sử dụng phương pháp quang trị liệu chữa vảy nến
Cách trị bệnh vảy nến sử dụng tia UV nhằm làm chậm sự phát triển quá mức của các tế bào da. Từ đó giảm viêm và ngứa, đem lại hiệu quả rõ rệt cho người bệnh. Những phương pháp quang trị liệu được chuyên gia y tế khuyến nghị:
Liệu pháp quang học UVB
Liệu pháp này dùng ánh sáng cực tím B (UVB) để tác động lên các tế bào da đang hoạt động quá mức, làm chậm quá trình tăng sinh tế bào và giảm viêm. Ánh sáng UVB sẽ được chiếu trực tiếp vào vùng da bị tổn thương trong một khoảng thời gian nhất định.
Mỗi buổi chiếu thường kéo dài chỉ vài phút nhưng người bệnh cần thực hiện đều đặn. Khoảng 2-3 lần/tuần, trong vòng 6-8 tuần hoặc lâu hơn tùy thuộc vào tình trạng bệnh và chỉ định của bác sĩ.
Psoralen cộng tia cực tím A (PUVA)
Liệu pháp PUVA là cách trị bệnh vảy nến kết hợp giữa thuốc uống hoặc bôi có chứa psoralen và chiếu tia cực tím A (UVA). Trước khi chiếu tia UVA, bệnh nhân sẽ uống hoặc bôi psoralen nhằm tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng. Sau đó, chiếu tia UVA để ức chế sự tăng sinh tế bào da và giảm viêm.
Mặc dù đem lại hiệu quả trong việc chữa, liệu pháp PUVA cũng đi kèm một số tác dụng phụ như buồn nôn, nhức đầu, nóng rát, ngứa da. Để bảo vệ mắt, bệnh nhân cần đeo kính bảo hộ đặc biệt trong suốt quá trình điều trị và cả nhiều giờ sau đó.
Chiếu tia laser
Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ sử dụng tia laser có bước sóng đặc biệt chiếu trực tiếp vào mảng vảy nến. Ánh sáng laser tác động vào các tế bào da bị viêm làm giảm sưng đỏ, bong vảy.
Cách trị bệnh vảy nến bằng chiếu laser có khả năng tác động chính xác vào vùng da bị bệnh, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến những vùng da lành xung quanh. Sau khoảng 4-5 tuần thực hiện, mảng vảy nến sẽ mờ dần, tình trạng da cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, chi phí điều trị khá cao và không phù hợp cho người bệnh có diện tích tổn thương quá rộng hoặc mắc bệnh lý kèm theo.
Liệu pháp ánh sáng kết hợp
Trong phương pháp này, bệnh nhân sẽ kết hợp điều trị bằng ánh sáng (UVB, PUVA) cùng kem hoặc thuốc mỡ bôi ngoài da. Điều này giúp tăng cường hiệu quả chữa bệnh, giảm liều lượng và thời gian chiếu tia. Đồng thời, hạn chế tác dụng phụ có thể xảy ra.
Kết luận
Hy vọng 10 cách trị bệnh vảy nến hiệu quả mà chúng tôi tổng hợp trên đây, sẽ giúp cho bạn có thêm thông tin hữu ích. Tùy từng nguyên nhân, triệu chứng và mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chữa phù hợp.